Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Phong tục

Hôm nay ngày mồng 5 tháng 5!
 Một trong những ngày tết lớn trong năm của gia đình tôi. Vào ngày này hàng năm khi tôi còn nhỏ vui chẳng kém tết Nguyên Đán. 
Nếu vào dịp Trung Thu tôi và các chị em tưng bừng, háo hức để được ăn mâm cỗ " trông trăng", và đi rước đèn ông sao. Xem múa Sư Tử, múa lân, xem các đoàn rước đèn  của xã với lô nức tiếng trống, tiếng kèn, những điệu nhảy tưng bừng và rất nhiều chiếc mặt lạ ngũ sắc đủ mọi hình thù trông thật đẹp mắt. Thì vào mỗi dịp mồng 5 tháng 5 hàng năm, tôi và các chị  mình lại nô nức và hồi hộp đi hái lá hồng, đôi khi là lá tầm vông để buộc móng chân, móng tay. Đêm mồng 4 / 5 mẹ sẽ giã lá móng và nhuộm móng cho các con. Tối đó chúng tôi phải ngủ thật cẩn thận kẻo tuột cái bọc lá móng ra khỏi chân tay, rơi bẩn giường.  Còn móng tay không được đỏ và đẹp như ý muốn. Mẹ và bà ngoại bảo làm như vậy để diệt con sâu bọ hay bám trong kẽ móng tay gây bệnh đau bụng cho trẻ con! Lớn hơn một chút thì mẹ nói lá móng giúp diệt vi khuẩn gây hôi thối và nấm bệnh ở móng tay và móng chân!?
Vào ngày này, trẻ con được ưu tiên, chăm sóc và chiều chuộng nhất. Mẹ mua nhiều loại hoa quả để cúng tổ tiên rồi chia cho các con ăn vào sáng sớm khi vừa ngủ dậy để diệt sâu bọ ở trong bụng!? Thường thì gia đình tôi phải ăn cơm xong mới được ăn bánh kẹo và hoa quả cho khởi xót ruột và không biếng ăn cơm. Riêng ngày mồng 5/5 thì phá lệ! 
Vì chẳng thấy con sâu nào bị diệt, thế nên vào ngày này hàng năm mẹ thường cho các con uống thuốc giun để tẩy giun sán trong bụng! Các em họ tôi cũng được diệt sâu bọ theo cách này. Còn người lớn trong nhà thì tùy người.
Hàng năm đến dịp mồng 5/5, cây trái trong vườn được quan tâm, chăm sóc. Cây nào cần trị sâu bệnh thì trị sâu bệnh, cây nào cần tỉa cành thì tỉa. Đôi khi cụ tôi còn đem vôi quét vào gốc các cây ăn trái trong vườn. Khi tôi hỏi thì cụ nói: làm thế cho sâu nó sợ?
Hào hứng nhất là tò chơi: đóng giả làm cây! Cái trò này làm chị em tôi phải tranh giành, oản tù tì chán mới tìm ra người được trèo nên cây giả làm cái cây để nói. Cây nào bị sâu bệnh, ra ít trái thì nhận tội và bị phạt roi! Cây nào ra nhiều trái thì hứa sang năm tiếp tục ra nhiều trái to hơn nữa và thật xanh tươi! Người trèo nên cây thì đóng giả là cái cây và hứa những điều đó. Khi cái cây bị phạt roi thì trở vờ kêu ...Ái... đau quá! Và xin tha! Làm cả nhà cười lăn cười bò, rất vui!....
Cũng chỉ có vậy thôi mà suốt tuổi thơ tôi, cứ đến dịp mồng 5/5 là tôi lại hồi hộp mong chờ. Mấy chị em lại reo mừng khi mẹ đem về bó lá móng, lại hào hứng đi kiếm lá và dây buộc. Lại hồi hộp đợi đến lượt mẹ bó móng cho mình. Rồi vô cùng hứng khởi khi sáng ra móng tay, móng chân mình có một màu đỏ rực rỡ!
Dù điều kiện kinh tế khó khăn đến đâu, mẹ luôn cố gắng lo cho chúng tôi một cái tết 5/5 đầy đủ và vui vẻ. Mẹ luôn hạnh phúc và quên hết những nhọc nhằn của cuộc sống khí thấy chúng tôi cười vui! .....
Giờ thì phong tục đã khác xưa. Tụi trẻ nhỏ không còn nhuộm móng chân, móng tay phổ biến như chúng tôi ngày trước. Nhiều nhà chẳng có vườn để trồng cây trái. Tuy vậy, trong lễ cúng ông bà tổ tiên vẫn đầy ắp hoa quả bánh trái. Tụi trẻ vẫn được ưu tiên và tôi nhận ra ngày mồng 5/5 âm lịch rất gần ngày quốc tế thiếu nhi 1/6. 
Còn tôi, ngày này lại nhớ về một thời tuổi thơ: trong sáng, hồn nhiên và được sống trong bầu sữa ngọt lành của tình yêu thương gia đình. ....


                                                                     Tác giả: Phạm Thị Hợi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét